fbpx

Trang chủ / Tin tức / Tin chuyên ngành / Quy Trình Thi Công Vữa Chống Cháy Kết Cấu Thép

Quy Trình Thi Công Vữa Chống Cháy Kết Cấu Thép

Tin chuyên ngành - 15/01/2024

Để vượt qua được các tiêu chuẩn kiểm định phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn phương án thi công vữa chống cháy kết cấu thép. Đây là giải pháp đáp ứng được các yêu cầu về PCCC theo nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Hãy cùng Pebsteel tìm hiểu chi tiết quy trình thi công vữa chống cháy kết cấu thép ngay trong bài viết sau đây.

Xem thêm: 5 Cách Chống Nóng Mái Tôn Nhà Xưởng Hiệu Quả

Vữa chống cháy là gì?

Vữa chống cháy, hay còn được biết đến với tên gọi là xi măng chống cháy, là một loại vật liệu được dùng để phủ lên các bề mặt của vật liệu và cấu trúc thép trong lĩnh vực xây dựng. Mục tiêu chính của việc sử dụng vữa chống cháy là để gia tăng khả năng chịu lửa của cấu trúc thép, đặc biệt là đối với các thành phần như ống gió, kèo thép, cột thép, dầmsàn nhà. Ngoài ra, nó còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng của nhiệt độ cao trong trường hợp hỏa hoạn, từ đó bảo đảm an toàn cho cả người và công trình xây dựng.

Vữa chống cháy thường có dạng bột vữa siêu nhẹ và được sản xuất từ các vật liệu chống cháy vô cơ. Các loại vật liệu này có thành phần chính là  gốc xi măng portland (OPC) hoặc thạch cao, cùng với một số phụ gia khác.

Xem thêm: Lắp Dựng Kết Cấu Thép, Nhà Thép Tiền Chế

vua-chong-chay
Mục tiêu chính của việc sử dụng vữa chống cháy là để gia tăng khả năng chịu lửa của cấu trúc thép (Nguồn: Vữa Chống Cháy)

Các loại vữa chống cháy phổ biến hiện nay

Hiện nay có 2 loại vữa chống cháy phổ biến: vữa chống cháy thông thường và vữa chống cháy cách nhiệt.

Vữa chống cháy thông thường

Đây là hệ vật liệu một thành phần đã được trộn sẵn, thành phần chủ yếu là cốt liệu nặng có nguồn gốc từ xi măng, khoáng sản tự nhiên và các phụ gia hoạt tính điều chỉnh. Nó được thiết kế đặc biệt để thi công bằng phương pháp phun lớp phủ chống cháy bảo vệ cấu trúc kim loại trong các dự án như công trình dầu khí, các tòa nhà cao tầng và các công trình khác. 

Mục tiêu chính của loại vữa này là đảm bảo rằng trong trường hợp hỏa hoạn, các cấu trúc kim loại này không bị biến dạng hoặc mất khả năng chịu lực, từ đó giữ cho môi trường làm việc an toàn cho nhân viên. Vữa chống cháy giúp cho quá trình thi công và bảo trì cũng như sửa chữa dưới mọi điều kiện thời tiết trở nên thuận tiện đáng kể. Sau khi được thi công, loại vữa này sẽ tạo ra một lớp phủ cứng như đá, có khả năng chống lại tác động nhiệt độ cao đặc biệt từ các đám cháy nhiên liệu cường độ cao, nhất là dạng phun lửa.
Xem thêm: Quy Trình Sản Xuất Gia Công Kết Cấu Thép

Vữa chống cháy cách nhiệt

Đây là một loại vữa chống cháy nhẹ và cách nhiệt cao cấp, được thiết kế đặc biệt để thi công phun nhằm bảo vệ các cấu trúc kim loại trong các công trình như giàn khoan ngoài khơi, tàu thuyền cũng như các cấu trúc yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn chống cháy cao và có trọng lượng nhẹ. Đây là một hệ vật liệu đã được trộn sẵn, kết hợp từ các thành phần nhẹ, chịu nhiệt, cách nhiệt có nguồn gốc từ khoáng sản đã trải qua xử lý nhiệt, xi măng chịu nhiệt và các phụ gia hoạt tính, điều chỉnh.

Sau khi thi công xong, hệ vật liệu này cũng tạo ra một lớp phủ vững chắc như đá, có khả năng chống lại tác động nhiệt từ đám cháy nhiên liệu cường độ cao, đặc biệt là trong trường hợp của dạng phun lửa.

Quy trình thi công vữa chống cháy kết cấu thép

Quy trình thi công vữa chống cháy cho cấu trúc thép đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt đối với các kỹ thuật và quy trình nhằm đảm bảo chất lượng cho dự án xây dựng. Để đạt được điều này, điều kiện thi công được xem xét cẩn thận. Nhiệt độ không khí lý tưởng là trên 10ºC, đồng thời độ ẩm không khí nên duy trì dưới mức 85%. Ngoài ra, việc tránh mưa tạt trong quá trình thi công cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ và đạt được hiệu suất tốt nhất.

Dưới đây là 6 bước thực hiện thi công vữa chống cháy kết cấu thép:

Bước 1: Xử lý bề mặt khung thép

Xử lý bề mặt đóng vai trò quan trọng trong quá trình thi công vữa chống cháy, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền, hiệu quả, và khả năng bám dính của vật liệu.

Để thực hiện bước xử lý bề mặt này, người thợ cần sử dụng máy phun cát hoặc máy phun bi, kết hợp với nước để loại bỏ các vết bụi bẩn và rỉ sét trên bề mặt kim loại. Quá trình này thường được thực hiện theo tiêu chuẩn SA 2.0 trở lên để đảm bảo rằng bề mặt được xử lý một cách hoàn hảo.

Bước 2: Sơn lớp lót chống rỉ

Thực hiện quá trình sơn lót chống rỉ là bước quan trọng để tăng cường khả năng bám dính của bề mặt vật liệu và lớp vữa chống cháy, đồng thời bảo vệ kết cấu sắt thép khỏi tác nhân gây ăn mòn, duy trì độ bền màu và sự đẹp mắt của sản phẩm. Có hai loại sơn lót chống rỉ thường gặp là nhựa alkyd và epoxy, tùy thuộc vào loại vật liệu mà chọn sơn lót phù hợp.

Quá trình sơn lót chống rỉ có thể được thực hiện bằng súng phun sơn chuyên dụng, rulo hoặc cọ. Đối với việc sơn lớp sơn lót chống rỉ, nên thực hiện trong môi trường có mái che để tránh mưa tạt, đảm bảo không gian làm việc không bị ảnh hưởng, đồng thời tránh tình trạng hao hụt và giảm chất lượng của sơn.

Sau khi hoàn thành việc sơn lớp chống rỉ, để đảm bảo rằng bề mặt sơn đáp ứng tiêu chuẩn, cần đợi cho màng sơn khô cứng, bám dính chặt và bề mặt trở nên phẳng trước khi chuyển sang bước 3 của quá trình thi công.

son-lot-chong-ri
Thực hiện quá trình sơn lót chống rỉ là bước quan trọng để tăng cường khả năng bám dính của bề mặt vật liệu và lớp vữa chống cháy

Bước 3: Thi công lớp lưới thép gia cường

Sau khi lớp sơn lót chống rỉ đã hoàn toàn khô, tiếp theo là thực hiện quá trình thi công lớp lưới thép gia cường, hay còn được biết đến là lưới dập giãn (Lati thép). Đây là một loại lưới thép được tạo ra bằng cách dập từ tấm thép và sau đó kéo giãn bằng công nghệ máy móc hiện đại.

Trong quá trình chọn lựa lưới thép, nên ưu tiên lựa chọn loại có độ dày từ 0.5 đến 1mm và mắt lưới có kích thước trong khoảng 10 đến 20mm. Lati thép sau đó được cố định quanh bề mặt vật liệu, có thể thực hiện bằng cách bắn đinh hoặc quấn quanh.

Ngoài ra, khi thi công, người thợ cần đảm bảo rằng khoảng cách giữa bề mặt vật liệu và lưới thép không vượt quá 5mm để đảm bảo tính liên kết chặt chẽ và đạt hiệu suất gia cường tốt nhất.

Bước 4: Thi công lớp vữa chống cháy

Độ dày của lớp vữa chống cháy có thể dao động từ 12.5mm đến 50mm, tùy thuộc vào yêu cầu về thời gian chống cháy.

Quá trình thi công vữa chống cháy có thể được thực hiện bằng phương pháp phun hoặc trát. Đối với phương pháp phun, tỉ lệ pha trộn vữa/nước là 1kg/0.8kg, trong khi cho phương pháp trát, tỉ lệ là 1kg/0.6kg.

Khi thi công, thợ sơn thực hiện phun đều mỗi lượt với độ dày khoảng 2-3mm lên bề mặt vật liệu cho đến khi lớp vữa đáp ứng đúng độ dày theo tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu về khả năng chống cháy.

Bước 5: Sơn phủ màu

Mục đích của bước sơn phủ màu là để cải thiện tính thẩm mỹ, khả năng chống thấm và chống mốc của vật liệu, cũng như đảm bảo tính an toàn của công trình.

Quá trình thi công được thực hiện sau ít nhất 24 giờ kể từ khi hoàn thành lớp vữa. Khi thi công, người thợ phải đảm bảo rằng cả lớp vữa và lớp sơn phủ màu đã khô hoàn toàn, có màu sắc đồng đều và bám dính chặt.

Bước 6: Nghiệm thu và bàn giao

Khi hoàn tất thi công, chủ thầu thực hiện quá trình nghiệm thu toàn bộ dự án, bao gồm kiểm tra quy trình và đo độ dày của các lớp vữa chống cháy.

Kết luận

Trên đây là thông tin về quy trình thi công vữa chống cháy kết cấu thép cùng một số thông tin liên quan. Nếu khách hàng cần tìm kiếm các giải pháp toàn diện cho Nhà thép tiền chế và Kết cấu thép, hãy liên hệ Pebsteel thông qua email Marketing@pebsteel.com.vn hoặc số điện thoại +84 908 883531 để được tư vấn ngay hôm nay.

LIÊN HỆ ĐÓNG
logo-switcher

Chọn khu vực & ngôn ngữ

Pebsteel toàn cầu

Xem tất cả thông tin doanh nghiệp, giải pháp và
dự án của Pebsteel.

Đến website
logo

Pebsteel toàn cầu

Xem tất cả thông tin doanh nghiệp, giải pháp và dự án của Pebsteel.

Pebsteel toàn cầu