Ông Adib Kouteili, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Nhà thép PEB (Pebsteel), đã trải qua 25 năm sống và làm việc tại thị trường Việt Nam. Theo doanh nhân “lão làng” trong ngành thép Việt, một nhà lãnh đạo giỏi là người nhìn ra được cơ hội trong khó khăn, biết sửa sai và có tinh thần dìu dắt thế hệ tương lai.
Adib Kouteili đến Việt Nam vào năm 1994, trong lúc đang giữ chức vụ quản lý tại Malaysia – đất nước khi ấy được xem là “thiên đường” dành cho giới doanh nhân nước ngoài. Khác với Malaysia, Việt Nam thời điểm đó chỉ vừa bắt đầu mở cửa thị trường, kinh tế gặp nhiều thử thách lớn đặc biệt là đối với ngành thép. Trong khi nhiều doanh nhân ngoại quốc khác còn ngần ngại đầu tư vào ngành thép ở Việt Nam, ông Adib đã chủ động tìm kiếm cơ hội tại trường rất mới mẻ này.
Cùng với em trai là ông Sami Kteily, Adib đã thành lập Công ty TNHH Nhà Thép PEB, tiên phong về thiết kế, gia công và lắp dựng nhà thép tiền chế tại Việt Nam. Trải qua nhiều năm phát triển và đúc kết kinh nghiệm, công ty Nhà thép PEB đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép Việt Nam, với nhiều sáng chế nổi tiếng mà tiêu biểu là PebFoam™ – công nghệ tấm cách nhiệt không dùng sợi thủy tinh, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Các sáng chế khác cũng lần lượt ra đời sau nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm kiên trì quan sát thị trường, nghiên cứu sản phẩm, lắng nghe phản hồi của khách hàng và liên tục sửa chữa thiếu sót. Hiện nay, ngoài sản phẩm nhà thép tiền chế nổi tiếng, công ty nhà thép PEB còn được thị trường biết đến với các thiết kế thông gió đỉnh mái, đẩy khí nóng hiệu quả bằng nguyên lý đối lưu để làm nhà thoáng mát hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng áp dụng công nghệ mạ kẽm cho thanh giằng xà gồ thay thế loại cũ vốn dùng sơn rất dễ gỉ sét.
Từ một doanh nghiệp với ít hơn 100 nhân viên, dưới sự lãnh đạo của ông Adib và Sami, Công ty Nhà Thép PEB đã sở hữu 6 nhà máy thép tại Vũng Tàu, 1 nhà máy tại Yangon (Myanmar), 6 văn phòng đại diện ngoài trụ sở tại Việt Nam và các mô hình liên doanh tại Ấn Độ và Bangladesh. Tổng số nhân viên đang làm việc tại công ty là hơn 1,000 người.
Nhà thép PEB đã đảm nhiệm hơn 6,000 công trình tại Việt Nam và nhiều nước khác. Doanh thu năm 2018 của doanh nghiệp này đạt mức kỉ lục là 100 triệu USD, tăng 30% so với năm trước. PEB cũng là đơn vị nước ngoài duy nhất tham gia xây dựng nhà máy Vinfast tại Hải Phòng năm 2018.
Điều khiến ông Adib tự hào nhất là có đến 85% công trình xây dựng tại Việt Nam áp dụng công nghệ thép tiền chế – sản phẩm mà PEB tiên phong trong thị trường ngành thép Việt. Thị trường Việt Nam hiện có đến 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép, cung cấp việc làm cho hơn 750.000 lao động.
Tinh thần “phải làm được”
Khi được hỏi về kinh nghiệm làm “sếp”, ông Adib trả lời rằng ông muốn nhân viên được tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh, và công ty luôn hỗ trợ họ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Lấy ví dụ, bất kì ai phàn nàn về quy trình hay sản phẩm tại PEB đều được lắng nghe. Nhân viên này sau đó sẽ được cấp chi phí hỗ trợ và đội ngũ nhằm giúp họ thử nghiệm giải pháp cải thiện quy trình hay sản phẩm đó – và nếu trong quá trình thử có sai sót, họ được phép làm lại. Theo ông Adib, đây là cách biến những nhân viên hay phàn nàn trở thành các “công thần” mẫn cán, năng động và sáng tạo.
“Để giúp nhân viên học hỏi, bạn phải quan tâm đến họ và cho phép họ được tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh. Chúng tôi giúp nhân viên tin rằng họ có thể làm được. Thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo tại các doanh nghiệp thép hiện nay ở Việt Nam từng làm việc tại PEB,” ông Adib chia sẻ.
Theo vị doanh nhân này, lãnh đạo giỏi cần có chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao, giúp họ có khả năng lắng nghe góp ý, hiểu người – hiểu ta và đứng lên từ thất bại. Đây chính là điểm quan trọng trong văn hóa công ty của PEB.
Về rủi ro “lộ thông tin mật” khi giúp đỡ nhân viên học hỏi, ông Adib cho biết thực tế này khiến PEB luôn phải liên tục đổi mới. Ngay khi đối thủ biết về bí mật kinh doanh nào đó của PEB, doanh nghiệp này sẽ tìm hiểu, nghiên cứu và tìm ra giải pháp mới. Đương nhiên, việc sửa sai và lắng nghe góp ý là không thể thiếu.
Di sản để lại
Sau nhiều năm “lăn lộn” trong ngành thép Việt Nam, ông Adib cho biết đã đến lúc ông theo đuổi một hành trình ý nghĩa hơn. Đó chính là ươm mầm cho thế hệ doanh nhân kế thừa tại Việt Nam.
Mục tiêu này, theo vị doanh nhân, khiến ông hào hứng hơn là bất kì kết quả kinh doanh nào. Trong những năm qua, Adib đã liên tục hỗ trợ các chương trình đào tạo tại PEB lẫn các trường Đại học tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, PEB đã quyên góp 1,5 tỷ đồng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo nghề.
Adib chia sẻ rằng ông rất quý các bạn trẻ biết nghĩ cho cộng đồng, đưa ra giải pháp để giúp cộng đồng phát triển và không ích kỉ, tư lợi. Ông mong rằng sau quá trình học tập, rèn luyện, thế hệ doanh nhân tương lai sẽ có tinh thần cầu tiến, quan tâm đến người khác và minh bạch, cởi mở.
Đây cũng là bài học cuộc sống mà Adib dạy cho hai con đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Đại học. Vị doanh nhân này khuyến khích con tìm hiểu về thế giới thông qua các chương trình trao đổi, cho phép các con vấp ngã và sửa sai.
Gần đây, Adib vinh dự được trao chức Đại sứ danh dự của Cộng hòa Lebanon tại Việt Nam, bên cạnh bằng khen cộng đồng doanh nghiệp Canada. Vào tháng 6 vừa qua, ông cũng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
“Tôi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam trong tương lai. Hi vọng những nỗ lực của tôi sẽ góp phần giúp Việt Nam phát triển một cách bền vững nhất,” ông Adib chia sẻ.
Xem thêm:
Nhà máy mới của Pebsteel được xây dựng dựa trên những công nghệ hiện đại nhất: ứng dụng kèo thép PEB Hybrid cho liên kết dầm và xà gồ, hệ thống thông gió đỉnh mái (R.V 5 mét), hệ thống cách nhiệt, kết hợp với lớp sơn thân thiện với môi trường, giúp cho nhà máy đạt tiêu chuẩn xanh LEED của Hiệp hội công trình xanh Hoa Kỳ.