fbpx

Trang chủ / Tin tức / Tin Công Ty / 3 Điều Cần Lưu Ý Để Phát Triển Năng Lực Cốt Lõi

3 Điều Cần Lưu Ý Để Phát Triển Năng Lực Cốt Lõi

Tin Công Ty - 17/07/2015

Tập trung phát triển năng lực cốt lõi là yếu tố quan trọng để DN có được lợi thế cạnh tranh vững chắc là giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp được xác định dựa trên thế mạnh đặc trưng riêng mà từ đó doanh nghiệp (DN) có thể tạo ra những sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tập trung phát triển năng lực cốt lõi là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh và cũng là giải pháp phát triển bền vững.

Ông Sami Kteily phát biểu về các giải pháp phát triển bền vững, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp
Ông Sami Nour Kteily – Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà thép PEB phát biểu tại hội thảo về năng lực cốt lõi của doanh nghiệp và giải pháp phát triển bền vững

Đây là quan điểm chính được hai diễn giả Sami Nour Kteily – Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà thép tiền chế PEB và ông Ngô Quý Nhâm – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn chiến lược Công ty Tư vấn quản lý OCD phân tích trong hội thảo tương tác “Phát triển bền vững sau khủng hoảng kinh tế” diễn ra vào sáng 25/6. Hội thảo tương tác là chương trình định kỳ hằng tháng do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Theo ông Ngô Quý Nhâm, năng lực cốt lõi một hệ thống tích hợp phức tạp các kiến thức, kỹ năng và năng lực được doanh nghiệp học hỏi, tích luỹ và cải tiến và đổi mới liên tục qua thời gian (nhiều năm), trở thành thế mạnh mang tính chiến lược của doanh nghiệp và nhờ đó doanh nghiệp có thể cung cấp các giá trị vượt trội cho khách hàng.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm năng lực cốt lõi, ông Nhâm đã lấy ví dụ từ Honda Group. Khi nhắc đến Honda, dù là sản phẩm xe máy, ô-tô, máy nông cụ thì đa số người dùng đều nhận thấy và đánh giá cao một lợi ích vượt trội của các sản phẩm của Honda là khả năng bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu. Khả năng đem lại những giá trị vượt trội cho khách hàng đó chính là lợi thế cạnh tranh của Honda.

Lợi thế cạnh tranh bắt nguồn từ hai năng lực cốt lõi của Honda – còn gọi là năng lực đặc biệt, đó là năng lực chế tạo động cơ bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu và năng lực chế tạo không lỗi. Những năng lực này ban đầu được phát triển trong ngành chế tạo xe máy nhưng Honda đã nâng cấp không ngừng và tạo cơ sở cho Honda đa dạng hoá sang các lĩnh vực khác như chế tạo ô-tô, máy phát điện, máy nông cụ…

Theo ông Nhâm, khả năng phát triển bền vững và năng lực cốt lõi có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một doanh nghiệp được coi là phát triển bền vững khi nó tạo dựng và duy trì được được lợi thế cạnh tranh, gia tăng thị phần và giữ được lợi nhuận trong dài hạn. Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là cái gốc tạo ra lợi thế cạnh tranh do đó nó là nền tảng của sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Do tốc độ cạnh tranh ngày càng cao ở đa số các ngành kinh doanh, vòng đời công nghệ và vòng đời sản phẩm bị rút ngắn nên việc xây dựng được năng lực cốt lõi thôi thì chưa đủ. Doanh nghiệp phải đầu tư và cải tiến liên tục các năng lực cốt lõi và có các giải pháp phát triển bền vững hiệu quả. Đó là cách để củng cố vị trí thương hiệu của DN trên thị trường.
Theo các diễn giả, chiến lược để DN có thể phát triển bền vững chính là tập trung hoàn thiện năng lực cốt lõi.

Chuyên gia nói về các giải pháp phát triển bền vững năng lực cốt lõi của doanh nghiệp
Các chuyên gia phát biểu về các giải pháp phát triển bền vững và năng lực cốt lõi của doanh nghiệp

Vấn đề được đại diện các DN đặt ra là các DN vừa và nhỏ, vốn chiếm đa số tại Việt Nam, nên đặt việc xây dựng và phát triển năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong chiến lược kinh doanh như thế nào là phù hợp? Trả lời cho thắc mắc này, hai diễn giả đã chia sẻ 3 lưu ý cho chiến lược của các DN vừa và nhỏ:

1. Xác định rõ thế mạnh cốt lõi gắn với thị trường mục tiêu

Theo đó, chiến lược phù hợp đối với các DN vừa và nhỏ, khi chưa đủ lực để xây dựng năng lực cốt lõi hoàn chỉnh, là dựa vào thế mạnh nền tảng để tạo chỗ đứng ổn định trong thị trường ngách. Doanh nghiệp cần phải xác định rõ khách hàng mục tiêu có nhu cầu phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Việc xác định đúng năng lực có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu khác biệt của thị trường chính là bước đầu tiên trong xây dựng năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Tiếp theo, doanh nghiệp cần liên tục tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, cải tiến các kỹ năng, quy trình cơ chế điều phối để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Điều này được ông Nhâm giải thích trong câu chuyện phát triển của một công ty xây dựng nền móng và công trình ngầm mà ông đã từng tư vấn. Khi mới thành lập, công ty chỉ gồm một nhóm các kỹ sư trẻ chuyên nghiên cứu ứng dụng công nghệ và giải pháp xử lý nền móng cho các công trình xây dựng và tin rằng đây là hướng đi khác biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có rất nhiều các công ty xây dựng.
Họ đã bắt đầu từ những công việc nghiên cứu nền đất: khảo sát địa chất và thí nghiệm địa kỹ thuật công trình. Sau đó, họ tự nâng cấp để có thể thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật: Thiết kế và thi công xử lý nền đất yếu. Cuối cùng là bắt tay vào thiết kế, sản xuất và thi công cọc bê tông dự ứng lực. Sau 5 năm, công ty đã tích luỹ được năng lực và đủ khả năng cung cấp giải pháp tổng thể, tối ưu cho nền móng cho các công trình, từ các công trình xây dựng dân dụng đến các công trình công nghiệp, có sở hạ tầng giao thông.
Sau 10 năm kiên trì tập trung phát triển năng lực cốt lõi, công ty hiện nay là một trong những nhà thầu hàng đầu ở Việt Nam trong cung cấp các giải pháp xử lý nền móng và xây dựng công trình ngầm.
“Các DN nhỏ cần tìm hướng đi riêng, đừng thấy DN lớn làm cái gì rồi bắt chước làm theo cái đó, như vậy chỉ là lấy trứng chọi đá mà thôi”, ông Nhâm kết luận.

2. Hạn chế đa dạng hoá ra ngoài năng lực cốt lõi

Trong quá trình phát triển, sau khi DN đã thành công trong một lĩnh vực nào đấy thì thường có xu hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Vấn đề các DN Việt Nam hay gặp phải chính là mở rộng ra những lĩnh vực ngoài năng lực cốt lõi của mình. Điều này sẽ đưa DN đến việc kinh doanh dàn trải, hụt vốn do phải đầu tư quá nhiều mà lợi nhuận mang lại không cao. Ngược lại khi đa dạng hoá trên nền tảng năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là một giải pháp phát triển bền vững sẽ giúp DN mở rộng thị phần  Phát triển dựa trên thế mạnh sẽ giúp DN giảm thiểu được rủi ro, chi phí đầu tư về máy móc, thiết bị và đào tạo nhân sự.

Như trường hợp công ty xây dựng công trình ngầm, trong quá trình phát triển công ty có nhiều cơ hội để đa dạng hoá như mở rộng sang mảng xây dựng khác hay bất động sản. Tuy nhiên, công ty chỉ tập trung vào thiết kế và thi công xử lý nền đất yếu và sau đó là thiết kế, sản xuất và thi công cọc bê tông dự ứng lực. Theo ông Nhâm, chiến lược này đã giúp công ty tránh phải cạnh tranh với các công ty xây dựng có tiềm lực lớn trong và ngoài nước đang hoạt động ở Việt Nam. Ngược lại, công ty đã trở thành đối tác quan trọng của các công ty xây dựng này vì họ cần công ty như một sự bổ sung trong chuỗi giá trị mà họ chưa có đủ.

Đồng thời, DN cần tỉnh táo để không “ngủ quên trong chiến thắng”. Nếu không nhận thức được rằng năng lực cốt lõi cần được đầu tư phát triển liên tục thì DN sẽ bị tụt lại phía sau. Bởi đối thủ thì luôn tiến lên và thị trường thì luôn có sản phẩm thay thế. Đây là kinh nghiệm thực tế khi điều hành doanh nghiệp tại PEB Steel mà diễn giả Sami đã mang đến và chia sẻ tại hội thảo.

3. Chống lại sự sao chép bằng đổi mới liên tục

Một trong những điều các chủ DN e ngại khi khi kinh doanh hiện nay chính là tình trạng sao chép, đánh cắp công nghệ của các đối thủ cạnh tranh. Điều này sẽ làm các DN “chùn tay” trong việc đầu tư phát triển.

Sự e ngại này đến từ việc DN nghĩ rằng năng lực cốt lõi của doanh nghiệp chỉ thuần là công nghệ sản xuất. Thực tế, trong sản xuất thì năng lực cốt lõi thường là sự liên kết từ khâu thiết kế, quản lý cung ứng nguyên liệu đến sản xuất. Ví dụ để sản xuất ra một chiếc áo chất lượng cao thì không chỉ mua vải tốt, công nhân may tốt là đủ mà DN phải nghiên cứu để nắm bắt được nhu cầu thị trường, thiết kế, tổ chức cung ứng vải và phụ kiện, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng.

Năng lực cốt lõi của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở khâu sản xuất/kỹ thuật mà còn nằm ở lĩnh vực phân phối, marketing và bán hàng hay nghiên cứu phát triển. Ví dụ, công ty Apple thành công trên hai năng lực cốt lõi là năng lực đổi mới, sáng tạo và năng lực marketing mà không cần tập trung vào sản xuất. Trên hết là một chiến lược kinh doanh đúng đắn để xác định đúng và liên kết được các năng lực cốt lõi nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh phù hợp.

Những mắt xích này được gắn kết với nhau thành chuỗi quy trình đặt trên nền tảng phát triển công nghệ đặc trưng của DN. Và đối thủ nếu sao chép thì chỉ có thể sao chép được một, một vài mắt xích chứ không thể sao chép hoàn chỉnh được được cả một quy trình – đặc biệt khi nó được thực hiện trong một nền văn hoá doanh nghiệp đặc trưng.
Mặt khác, theo thời gian, năng lực cốt lõi khi được chú trọng đầu tư sẽ tăng lên. Đây là nền tảng để DN tạo ra những sản phẩm mang tính cách tân, dẫn đầu thị trường. Đối thủ nếu có sao chép thì chỉ là sao chép những gì doanh nghiệp đã từng làm chứ không phải phải những gì doanh nghiệp đang làm. Khả năng đổi mới và phát triển của công ty là giải pháp hiệu quả nhất giúp DN chống lại sự sao chép, bắt chước của các đối thủ cạnh tranh.

logo-switcher

Chọn khu vực & ngôn ngữ

Pebsteel toàn cầu

Xem tất cả thông tin doanh nghiệp, giải pháp và
dự án của Pebsteel.

Đến website
logo

Pebsteel toàn cầu

Xem tất cả thông tin doanh nghiệp, giải pháp và dự án của Pebsteel.

Pebsteel toàn cầu